Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam với vẻn vẹn 60 km² cùng hơn 100.000 dân. Ở "vùng lõi" chỉ rộng 4 km² đã sở hữu gần 1.300 di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc các công trình dân dụng, công trình tín ngưỡng và công trình đặc thù. Mỗi loại hình kiến trúc đều có những đặc điểm, sắc thái riêng. Hội An cũng đã để lại một kho tư liệu lớn về kiến trúc, kỹ thuật xây dựng công trình cổ; được xem như một "bảo tàng sống" về kiến trúc và lối sống đô thị.
Một góc TP.Hội An nhìn từ trên cao
Diễn trình lịch sử hình thành và phát triển của đô thị - thương cảng Hội An có ý nghĩa quyết định đến diện mạo di sản văn hóa Hội An khá đa dạng, phong phú và đậm bản sắc đặc trưng. Khu phố cổ Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế và là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo. Hội An là nơi tụ cư, hợp cư của con người từ nhiều lớp, nhiều nguồn, nhiều dân tộc, điểm gặp gỡ, giao thoa giữa các nền văn minh Chăm - Việt - Hoa - Nhật - Ấn và các nước phương Tây và là một trong hai cái nôi ra đời chữ Quốc ngữ...
Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển một cách mạnh mẽ. Phố cổ Hội An từ lâu đã gìn giữ hơn 100 nghề thủ công. Nơi đây cũng gìn giữ nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như hô hát bài chòi, hát bả trạo… Trong đó, có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
TP.Hội An cũng chính thức được gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thủ công, nghệ thuật dân gian đã mở ra cơ hội để định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh Hội An đến với bạn bè quốc tế.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP.Hội An, cho biết trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân Hội An luôn nhất quán trong nhận thức và hành động là đặt vấn đề văn hóa làm trung tâm, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, xem đây là yêu cầu cơ bản để phát triển bền vững theo đúng định hướng đề ra.
Trong khi phát triển thành phố dựa trên văn hóa kiểu mẫu với đô thị cổ ở trung tâm là Di sản thế giới, TP.Hội An đã và đang mở rộng các cơ hội hợp tác và học tập quốc tế với Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO rộng lớn trong bối cảnh mới bằng cách thúc đẩy tầm nhìn "Văn hóa như một lợi ích công cộng toàn cầu". "Hội An thúc đẩy đổi mới và lựa chọn bền vững, coi trọng văn hóa và truyền thống lâu đời, đồng thời mở ra cơ hội cho giới trẻ với các sáng kiến dựa trên văn hóa", bà Cẩm nói.
Thành phố sinh thái - văn hóa - du lịchÔng Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay văn hóa, sinh thái và con người luôn được Hội An đặt trong vị trí trung tâm của mọi chiến lược phát triển, thể hiện qua các quy hoạch, đề án và chương trình xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, giàu bản sắc và hội nhập quốc tế; hài hòa và thống nhất về các phương diện văn hóa, xã hội, kinh tế và môi trường. Vì vậy, Hội An nhất quán trong chủ trương phát huy thế mạnh của một đô thị "di sản sống", vốn con người với nếp sống nhân tình, thuần hậu và truyền thống giao lưu, hội nhập quốc tế để xây dựng mô hình phát triển xanh, sạch, chất lượng, đạo đức, văn minh cho mọi cư dân.
"Mạch nguồn của Hội An là dòng chảy từ thành phố di sản đến thành phố sáng tạo, kế thừa những sáng tạo của tiền nhân để tiếp tục sáng tạo với cốt lõi là vốn văn hóa, xã hội, con người, gắn liền với phát huy tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường để hướng đến tăng trưởng đa chiều, với mục tiêu đem lại lợi ích cho cộng đồng", ông Sơn khẳng định.
Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng (Hội An) chế tác sản phẩm từ gỗ
Hội An được biết đến là một "thành phố văn hóa" tiêu biểu của cả nước và là "Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu thế giới". Cốt lõi của tài nguyên văn hóa Hội An là truyền thống "Nhân tình thuần hậu" với nếp sống giản dị, hiếu khách, kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, văn hóa ẩm thực đặc sắc mang đậm nét truyền thống đã trở thành thương hiệu nổi tiếng.
"Tài nguyên lớn nhất của Hội An là sự kết nối khu di sản văn hóa thế giới với khu dự trữ sinh quyển thế giới trong một chỉnh thể đa dạng và nổi trội về các giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa, nhân văn, hội đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", Chủ tịch TP.Hội An chia sẻ.
NĂM 2030 HỘI AN LÀ ĐÔ THỊ DU LỊCH QUỐC GIA
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, sẽ xây dựng và phát triển TP.Hội An đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại 2 và đô thị du lịch quốc gia, mang tính đặc thù về sinh thái, di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, hiện đại, có bản sắc riêng với đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là "hạt nhân". Ngoài ra, TP.Hội An tiếp tục giữ vai trò là trung tâm giao lưu văn hóa, đối ngoại, thành phố sự kiện - lễ hội của tỉnh; xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới…